Theo Cục An toàn Lao động, Bộ LĐ-TB&XH, nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong ngành nông nghiệp là rất cao, hiện chỉ đứng sau ngành chế biến khai thác, xây dựng và hóa chất.
Phân tích của nhiều chuyên gia lao động cho thấy, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động trong ngành nông nghiệp rất lớn, tiềm ẩn ở mọi thứ, mọi nơi. Chỉ đơn thuần từ những vật cứng hay hạt thóc khi bắn vào mắt là có thể dẫn đến tổn thương, thậm chí mù lòa. Còn những bụi thóc, gạo, các mầm bệnh mà người dân thường tiếp xúc dễ dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, viêm da… Đáng lo ngại là việc người dân tự ý sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, điển hình là thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều và không có bảo hộ lao động, dễ dẫn đến ngộ độc, hoặc mắc bệnh ung thư, thậm chí là tử vong.
Mặc dù, số tai nạn lao động cũng như mắc bệnh nghề nghiệp trong lao động ngành nông nghiệp là rất lớn nhưng đa phần người lao động vẫn rất chủ quan trong khi làm việc. Chị Nguyễn Thị Yến, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Do gia đình ít người, nên từ những công việc nặng nhọc nhất như vận hành máy tuốt lúa, máy làm đất cho đến phun thuốc trừ sâu chị đều làm hết. Thế nhưng, khi hỏi về bảo hộ lao động là gì thì chị không biết. Chị bảo: “nếu phun thuốc trừ sâu thì người phun phải phun xuôi theo chiều gió để nó khỏi bay vào mình thôi”. “Còn việc vận hành máy móc nhìn mấy lần người khác làm là làm được hết, miễn là mình cẩn thận” - chị Yến cho biết. Nhưng khi được hỏi “cẩn thận như thế nào?” thì chị cũng chỉ cười.
Rõ ràng, phần lớn lao động nông nghiệp nông thôn vẫn thường làm việc theo kinh nghiệm hết sức giản đơn. Nguyên nhân của tình trạng này, do người dân chưa qua đào tạo nghề nên họ chưa ý thức hết được công việc mình làm; cộng với công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn lao động đến người dân còn rất hạn chế; cũng như công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp ở nhiều nơi còn buông lỏng…đã dẫn đến những cách hiểu về ATVSLĐ trong người dân rất mơ hồ, chủ quan.
Chính vì vậy, để nông dân tránh được những rủi ro khi tham gia sản xuất, theo Cục An toàn lao động, loại trừ các yếu tố nguy hiểm, có hại thì cải thiện điều kiện lao động trong sản xuất nông nghiệp là một trong những yêu cầu khách quan và là giải pháp tích cực nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, Nhà nước cũng như các cơ quan ban ngành cần đưa những thành tựu của khoa học - công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn; đưa giống vật nuôi, cây trồng mới, vật tư, kĩ thuật, tiến hành cơ khí hoá - điện khí hoá sản xuất nông nghiệp, nông thôn và cả những kĩ năng lao động, quản lý đến với người dân...
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, khoa học công nghệ sẽ góp phần giải phóng sức lao động và đem lại nhiều lợi ích hơn cho nhà nông song nó cũng đòi hỏi nhà nông phải biết cách tiếp cận và sử dụng đúng chúng để bảo vệ bản thân, cộng đồng và gìn giữ môi trường sống. Vì vậy, các cơ quan, ban ngành cần tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong vận hành máy móc cho người nông dân; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng liều lượng, thời gian quy định... Có như vậy, người lao động nông nghiệp mới được làm việc trong những điều kiện an toàn - vệ sinh, có năng suất cao, chất lượng tốt và hưởng thụ thành quả lao động trong một môi trường lành mạnh./.
Theo Báo Đối ngoại Vietnam Economic News