(VEN) - Nhiều DN đã xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm; phối hợp với cơ quan chức năng huấn luyện vệ sinh an toàn lao động và phòng chống cháy nổ cho người lao động tại đơn vị; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động… Là những ghi nhận về sự chuyển biến tại nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời gian gần đây.
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 3.000 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Sự hiện diện của các DN đã thu hút hàng nghìn lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, tăng thời gian sử dụng lao động ở khu vực nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Song sự phát triển mạnh các KCN cũng đồng thời với sự gia tăng nguy cơ cháy nổ, mất vệ sinh an toàn lao động tại các KCN nếu các cơ quan chức năng cũng như DN và người lao động không có ý thức chấp hành tốt.
Nhận thức được vấn đề này, những năm gần đây, công tác vệ sinh an toàn lao động - phòng chống cháy nổ (VSATLĐ-PCCN) được các cấp, ngành tỉnh Bắc Ninh thực sự quan tâm. Các thông điệp xây dựng môi trường làm việc an toàn, cảnh báo tai nạn lao động, giải pháp ngăn ngừa tai nạn lao động, Luật Phòng cháy, chữa cháy… được tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tới được với mọi tầng lớp nhân dân.
Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh còn thường xuyên phối hợp với Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - môi trường và giám định y khoa tỉnh tổ chức tập huấn về các chủ trương, chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm VSATLĐ, các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, biện pháp phòng, tránh về bệnh nghề nghiệp… cho người lao động, chủ sử dụng lao động trong các DN trên toàn tỉnh…
Chính nhờ vậy, công tác VSATLĐ-PCCN tại nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được chú trọng, từng bước đi vào nền nếp. Có thể kể đến một số DN tiêu biểu thực hiện nghiêm túc các yếu tố bảo đảm VSATLĐ-PCCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua như: Công ty Cổ phần Đông Bình, Công ty Cổ phần may Đáp Cầu, Lilama 69-1, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Niềm Tin Việt… và một số các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước khi tuyển dụng lao động vào làm việc, các DN này đều tổ chức huấn luyện và kiểm tra gắt gao kiến thức ATLĐ. Trong quá trình lao động, sản xuất nhiều biện pháp cải tiến kỹ thuật nhằm đảm bảo đầy đủ các yếu tố an toàn như về ánh sáng, độc hại… được DN áp dụng. Hàng năm DN tổ chức cho người lao động được khám sức khỏe định kỳ. Nhờ đó đã giúp người lao động yên tâm gắn bó cùng DN phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Biên, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - môi trường và giám định y khoa tỉnh Bắc Ninh, qua kiểm tra tại một số DN vẫn xảy ra tình trạng thiếu ý thức trong công tác bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Nơi thì DN cấp không đủ bảo hộ theo quy định, nơi thì người lao động được cấp bảo hộ nhưng không sử dụng và nhiều người chưa có thói quen sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động.
Ông Biên cho rằng, công tác bảo đảm VSATLĐ-PCCN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phải luôn được quan tâm, chú trọng. Nhất là công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này phải được tổ chức chặt chẽ để mỗi DN thực sự coi vấn đề VSATLĐ-PCCN là không thể thiếu trong sản xuất, kinh doanh, vì sự phát triển chung.
Vấn đề này cũng được trao đổi nhiều tại các cuộc hội thảo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Theo các chuyên gia, ngoài sự chủ động của các DN trong việc xây dựng phương án phòng ngừa, nội qui, qui trình vận hành của máy móc thiết bị; Đầu tư kinh phí thỏa đáng để cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; Tổ chức huấn luyện định kỳ cho công nhân… thì về phía người lao động cũng cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức về VSATLĐ-PCCN để tự mình nâng cao trách nhiệm, áp dụng nghiêm các biện pháp bảo hộ khi lao động sản xuất… Có như thế mới giảm đến mức thấp nhất các vụ việc mất VSATLĐ- PCCN, tránh những thiệt hại không đáng có về người và tài sản, tác động xấu đến an ninh trật tự xã hội và môi trường đầu tư./.
T.Tâm