Đêm trắng dập lửa của hàng trăm cảnh sát ở công ty hóa chất
Trang bị khí tài, lính cứu hỏa kéo vòi rồng chia làm 4 mũi "tấn công" vào công ty chứa hơn 30 loại hóa chất độc hại đang chìm trong biển lửa. 15 chiến sĩ đã bị thương.
Hơn 10 cảnh sát bị thương khi chữa cháy công ty hóa chất
Liên tiếp những tiếng nổ lớn vang lên tại Công ty TNHH Tân Hùng Thái, lô H1, đường số 1, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM) lúc 21h ngày 16/4. Hàng loạt cửa kính, bóng đèn của các công ty xung quanh vỡ nát. Lửa và khói cuồn cuộn bốc cao hàng chục mét. "Vài giây lại có tiếng nổ như bom kèm theo lửa và khói trắng. Tôi ở xa hơn 100 m vẫn cảm nhận sức nóng", anh Trần Minh Đức, 24 tuổi, cho biết.
Lực lượng tại chỗ có 10 người xử lý nhưng không hiệu quả do chất cháy là hóa chất nên diễn biến cháy, nổ rất nhanh. Tiếp đó, cứu hỏa của khu công nghiệp Lê Minh Xuân phối hợp với chữa cháy huyện Bình Chánh khống chế không cho đám cháy lan rộng sang nhiều nhà xưởng liền kề. Tuy nhiên, lửa vẫn không ngừng bốc lên ngùn ngụt tại công ty Tân Hùng Thái.
Cảnh sát cứu hỏa bị bỏng, rát liên tục chạy ra ngoài nhờ nhân viên y tế thoa thuốc. Ảnh: An Nhơn
Cảnh sát cứu hỏa bị bỏng, rát liên tục chạy ra ngoài nhờ nhân viên y tế thoa thuốc. Ảnh: An Nhơn
Nhận định đây là vụ cháy lớn rất nguy hiểm về nổ và độc hại, Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở PCCC có mặt tại hiện trường quyết định cho chi viện gần 200 cán bộ chiến xe, 30 xe cứu hỏa các loại và lực lượng cứu hộ nhằm tìm người có thể mắc kẹt bên trong. Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND Huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Trường điều động công an huyện, huyện đội, cảnh sát giao thông, cảnh sát 113, dân quân… với quân số hơn 50 người nhằm đảm bảo an ninh. 15 y tá, 2 bác sĩ và 2 xe cứu thương của Bệnh viện huyện Bình Chánh cũng có mặt ứng cứu.
Lính cứu hỏa trang bị khí tài, kéo vòi rồng chia làm 4 mũi tấn công vào trực diện phía trước và sau công ty. Mùi hóa chất lan tỏa nồng nặc. Các hóa chất dạng tinh bột màu trắng bắn khắp nơi, gây trơn trượt cho các chiến sĩ. Nhiều người quỵ ngã chạm vào hóa chất đã bị bỏng, ngứa rát, phồng rộp.
"Có những lúc chúng tôi đã khoanh vùng được đám cháy nhưng do tác động của nhiệt và các hóa chất chứa trong thùng phuy dưới hiện tượng vật lý nó bùng nổ dẫn đến cháy lớn trở lại. Công tác tổ chức chữa cháy hết sức khó khăn", đại tá Lê Tấn Bửu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết.
Từ trong hiện trường, nhiều chiến sĩ tiếp tục quỵ xuống do hít phải khí độc và bị axit bám vào người. Họ nhanh chóng được đồng đội cõng chạy ra ngoài để một mũi lính cứu hỏa khác lao vào thay vị trí dập lửa, trong đó có trung tá Đỗ Văn Kháng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh.
Sau 4 tiếng chiến đấu với "bà hỏa", đến rạng sáng 17/4, đám cháy cơ bản được dập tắt. Tuy nhiên, trước nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ trở lại, lực lượng cứu hỏa vẫn túc trực để dập lửa tàn. "Mặc dù có khí tài nhưng các anh em không tránh khỏi nhiễm và bỏng do hóa chất. Có 15 chiến sĩ đã bị thương, chủ yếu là ngạt do hít phải mùi hóa chất", ông Bửu nói.
hoa-chat-bai-3576-1397695706.jpg
Những thùng hóa chất phía trước công ty, nơi được cho là điểm xuất phát cháy nổ. Ảnh: An Nhơn
Theo vị đại tá, nhà xưởng bị hoả hoạn có hơn 30 loại hóa chất độc hại, trong đó một số loại rất dễ cháy nhưng kỵ nước như Sodium Hydrosulfite (Na2S2O4), Axit formic ( CH2O2)… hoặc một số có thể độ ẩm cao, nhiệt cao cũng dẫn đến cháy. Vì vậy, việc dập lửa phải sử dụng các loại hóa chất chuyên dùng với nguyên tắc được đưa ra là không chữa nước. Nhưng ông cho rằng, trong quá trình chữa cháy nước có thể thẩm thấu khiến các bồn hóa chất phát nổ lớn.
Thống kê sơ bộ, có 1.000 m2 kho chứa hóa chất bị cháy rụi, nửa nhà xưởng còn lại chứa bao bì được bảo vệ an toàn. Nguyên nhân ban đầu của hỏa hoạn được cho là do sự cố hóa chất tự cháy. "Còn nguyên nhân cụ thể như thế nào, các cơ quan chức năng sẽ khám nghiệm hiện trường điều tra làm rõ", ông Bửu cho biết thêm.
An Nhơn